Tổng cục dạy nghề Bộ LDTB&XH tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Vụ, đơn vị thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; về phía địa phương, có đại diện của Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các phóng viên đại diện cho các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương đến đưa tin và dự Hội nghị.
Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ứng Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Ông Đào Ngọc Dung nêu rõ: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TƯ ngày 05/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn để bố trí nguồn lực thực hiện.
Đại hội Đảng XII đã xác định đến năm 2020 là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65-70% (có bằng chứng chỉ đạt 25%), giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn khoảng 40%; năng suất lao động bình quân tăng khoảng 5%/năm. Đây là những chỉ tiêu rất lớn, đòi hỏi Hội nghị hôm nay tập trung thảo luận, thống nhất và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá thực trạng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian vừa qua; thế mạnh, thành công, nguyên nhân và những hạn chế, tồn tại trong tổ chức thực hiện; đặc biệt chú ý 5 vấn đề sau:
Một là, nhận thức về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết, chính sách của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ;
Hai là, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia gắn liền với nhau; xây dựng nông thôn mới thực chất là cuộc cách mạng trong nông nghiệp nông thôn, để thực hiện cuộc cách mạng này cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu.
Ba là, vấn đề lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực, nội dung đào tạo; đào tạo nghề phải sát với thực tế tại địa phương, chuyển đổi lao động - nghề nghiệp, dịch chuyển phi lao động sang chính thức.
Bốn là, các vướng mắc trong phân bổ nguồn lực cho đào tạo tạo nghề cho lao động nông thôn về thể chế, chỉ đạo điều hành và công tác phối hợp.
Năm là, vấn đề tuyên tuyền, giới thiệu điển hình trong công tác tổ chức thực hiện; thúc đẩy đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục Trưởng, Tổng cục Dạy nghề
Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương, Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề trình bày báo cáo tổng quan về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giai đoạn 2010-2016, qua 7 năm triển khai thực hiện đề án đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó có gần 3,5 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60 % học nghề phi nông nghiệp; góp phần nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm, nâng tỷ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 lên 53% năm 2016; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn từ 51,5% năm 2009 xuống còn khoảng 44% năm 2015.
Tuy nhiên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn này vẫn còn một số hạn chế, chưa tập trung được hết tất cả các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ; hiệu quả thực hiện Đề án chưa cao, nhất là hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn hạn chế. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào là nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu là đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp); trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoản 3,84 triệu người và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, các Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Kế hoạch triển khai nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 theo mục tiêu, nội dung Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp và tổ chức hội nghị triển khai thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Chủ tọa hội nghị
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn trình bày báo cáo kết quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và triển khai kế hoạch năm 2017 - giai đoạn 2016-2020; báo cáo tập trung vào kết quả thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp năm 2016 theo Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Số lao động được học nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là: 126.189/161.055 lao động (đạt 78,3% so với kế hoạch đề ra) và đạt 65% so với năm 2015 (trong đó, số lao động thuộc diện chính sách, an sinh xã hội: 48.923 người; Số lao động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: 77.266 người); Số có việc làm mới và nâng cao hiệu quả sản xuất khi làm nghề cũ trên 100.000 người. Năm 2016, có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí của Trung ương và địa phương để thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp (riêng tỉnh Bình Phước không bố trí kinh phí) với tổng kinh phí là 235,0 tỷ đồng.
Năm 2017 với kế hoạch đào tạo cho 290.430 lao động nông nghiệp, theo từng vùng miền: Vùng miền núi phía Bắc: đào tạo cho khoảng 50% số lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 10% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 40% đào tạo nông nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn ở địa phương. Vùng Đồng bằng sông Hồng: đào tạo cho khoảng 60% số lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 20% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 20% đào tạo nông nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn ở địa phương. Khu vực Duyên hải miền Trung và Tây nguyên: đào tạo cho khoảng 50% số lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 20% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 30% đào tạo nông nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn ở địa phương. Khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long: đào tạo cho khoảng 70% số lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; 20% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 10% đào tạo nông nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội nông thôn ở địa phương.
Giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề nông nghiệp cho 1,4 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn có trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1 triệu người; trình độ trung cấp và cao đẳng: 400.000 người (do các trường có chức năng đào tạo nghề nông nghiệp tuyển sinh đào tạo hàng năm theo quy định hiện hành)
Ông Nguyễn Xuân Cưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LDTB&XH
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cảm ơn sự có mặt của các đại biểu và các ý kiến phát biểu, tham luận đóng góp trong Hội nghị. Các ý kiến đó sẽ là cơ sở để giúp Ban chỉ đạo Trung ương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xem xét để xây dựng chính sách phù hợp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh đến một số nội dung để thúc đẩy công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong thời gian tới là công tác tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương sau khi có Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ; xác định rõ đối tượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở từng địa phương gắn với thực tế, thế mạnh của địa phương; kết nối đào tạo thông qua hoạt động đặt hàng với các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng và kết hợp với cam kết việc làm sau học nghề; thúc đẩy xã hội hóa trong đào tạo và sự tham gia của doanh nghiệp khi thực hiện nông thôn mới, đào tạo và giải quyết việc làm; hoàn thiện và sớm ban hành quy định tỷ lệ và định mức phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có kinh phí cho nhiệm vụ đào tạo nghề.
Theo Tổng cục Dạy nghề.