35 trường công hạ điểm chuẩn
Chiều qua, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố danh sách 35 trường công lập hạ điểm chuẩn vào lớp 10. Trong đó, điểm chuẩn của những trường này so với đợt 1 công bố thì hạ từ 0,5 điểm đến 4 điểm như THPT Tây Hồ (1 điểm), THPT Thăng Long (0,5 điểm), THPT Yên Hòa (1 điểm), THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng (0,5 điểm), THPT Chương Mỹ B (4 điểm)... Riêng với trường THPT Việt Đức, chỉ chương trình tiếng Đức hạ mạnh điểm chuẩn từ 48,5 xuống còn 44,5.
Sau đợt hạ điểm chuẩn này, nhiều người dự báo sẽ có một đợt rút hồ sơ từ trường nọ sang trường kia, từ trường ngoài công lập về trường công lập. Anh Nguyễn Văn Khanh cho biết, anh đã nộp hồ sơ cho con vào trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu. Nhưng sau khi Sở GD&ĐT công bố hạ điểm chuẩn một số trường, trong đó có trường con anh đăng ký nguyện vọng 1 và cháu đã đủ điểm nên hôm nay, anh sẽ đến trường Tạ Quang Bửu để rút hồ sơ. Điều anh Khanh lo lắng là liệu có sự “khó dễ” khi xin rút hồ sơ hay không.
Một nghịch lý khác trong mùa tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nay, đó là điểm chuẩn trường top cao thấp hơn điểm chuẩn trường top dưới. Cụ thể, những trường luôn dẫn đầu về mức điểm chuẩn THPT công lập không chuyên trên toàn thành phố như Trường THPT Chu Văn An năm học 2017 - 2018 điểm chuẩn là 55,5 thì năm nay chỉ còn 51,5 điểm, giảm tới 4 điểm, cũng là trường giảm điểm chuẩn nhiều nhất. Trường THPT Thăng Long năm trước 52,5 điểm thì năm nay chỉ còn 49,5, giảm 3 điểm; Trường THPT Kim Liên năm trước 53 điểm, năm nay là 50,5; Trường THPT Việt Đức từ 52 điểm của năm trước, năm nay giảm còn 49...
Trong khi đó, điểm chuẩn vào một số trường được coi là top thấp hơn thì lại cao hơn. Đợt 1, điểm chuẩn vào trường THPT Yên Hòa, Nhân Chính cao hơn trường THPT Thăng Long 0,5 điểm, cao hơn THPT Việt Đức 1 điểm. Đợt 2, điểm chuẩn của trường THPT Yên Hòa bằng THPT Việt Đức và THPT Thăng Long. Còn trường THPT Nhân Chính không hạ điểm chuẩn nên cao hơn THPT Thăng Long 1 điểm. Đây là nghịch lý chưa từng xảy ra trong tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết số học sinh vào lớp 10 tăng khoảng 22.000 học sinh. Trước mùa tuyển sinh, Sở cũng đã yêu cầu các trường “nới” chỉ tiêu đến mức tối đa cho phép để tăng cơ hội vào học lớp 10 trường công cho học sinh.
Thực tế, điểm chuẩn của các trường THPT công lập của Hà Nội năm nay thấp do đề thi khó, nhất là điểm thi môn Ngữ văn. Tuy nhiên, “tâm lý đám đông” của phụ huynh sợ con không có chỗ học đã tạo điều kiện để một số trường ngoài công lập hưởng lợi. Lẽ ra phụ huynh là người chủ động thì họ lại trở thành bị động trước mọi quyết định của các trường.
Nhưng theo một chuyên gia giáo dục, chính việc Sở GD&ĐT Hà Nội không công bố phổ điểm nên phụ huynh không có “la bàn” để tìm trường cho con. Ai cũng nghĩ điểm của con mình thấp, không đủ điểm để xét nguyện vọng 1, 2 nên mới “rải” hồ sơ, nộp tiền phí ghi danh ở khắp các trường ngoài công lập.
Đến khi Hà Nội công bố điểm chuẩn của hệ thống trường công lập, phụ huynh mới biết điểm chuẩn năm nay giảm mạnh và như vậy nghĩa là kết quả thi của học sinh thấp chung chứ không chỉ riêng một vài trường hợp.
Và họ đã mất một khoản tiền kha khá ghi danh cho con vào các trường ngoài công lập. Trong khi đó, phí ghi danh vào mỗi trường không hề ít. Thấp thì vài triệu, còn cao thì lên đến tiền chục triệu. Chính vì vậy, ngày 3/7, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hai văn bản gửi trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu và trường THPT Lương Thế Vinh yêu cầu phải hoàn trả các khoản phí cho phụ huynh nếu con họ không trúng tuyển hoặc muốn rút hồ sơ.
Trong khi Sở GD&ĐT cho rằng các trường THPT ngoài công lập có quyền tự chủ nên họ được quyết định, được thỏa thuận với phụ huynh học sinh về các khoản thu. Nhưng thực tế, việc thu phí ghi danh, thu xong không trả lại nếu học sinh không học là một cách để gây khó dễ, giữ chân học sinh. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh cho rằng Sở GD&ĐT Hà Nội cần có chính sách quản lý chung các trường THPT ngoài công lập, chứ không phải chạy theo xử lý từng vụ việc như
hiện nay.