PHÂN LUỒNG GIÁO DỤC VỚI SỰ VÀO CUỘC CỦA CÁC HIỆU TRƯỞNG
Cập nhật lúc: 18/04/2017 03:57
Trong những năm qua, các trường THCS đã đưa công tác hướng nghiệp vào chương trình giảng dạy hay sinh hoạt ngoại khóa. Tuy nhiên, nhiều trường còn lúng túng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Nhiều bậc phụ huynh, các em học sinh và kể cả giáo viên lâu nay thường quan niệm việc học tập chỉ có một con đường: học xong tiểu học lên THCS, xong THCS phải học THPT và sau đó thi đại học, cao đẳng. Hệ quả của nó là Việt Nam đang trong tình trạng thừa thầy nhưng thiếu thợ lành nghề (và còn thiếu khá nhiều thầy đúng nghĩa - thầy giỏi!). Thực tế có nhiều học sinh lên bậc THPT không theo nổi phải bỏ học. Những hiệu trưởng có trách nhiệm đã nghĩ đến việc hướng các em học nghề sau khi đã tốt nghiệp THCS nhưng gặp quá nhiều trở ngại về cơ chế và quan điểm của phụ huynh, học sinh.
Năm 2015, Chính phủ đã có Nghị định 86/NĐ-CP và những chỉ đạo quyết liệt về phân luồng giáo dục. Đây là công cụ sắc bén cho Hiệu trưởng các trường THCS. Nắm bắt ngay cơ hội, nhiều hiệu trưởng đã liên kết với các trường trung cấp để triển khai công tác tư vấn, tuyển sinh học sinh sau khi tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp. Công việc tiến hành rất khó khăn khi chưa nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, nhưng các thầy, cô đã không nản chí bởi mọi người đều tâm niệm “việc mình làm sẽ mang đến một con đường tốt nhất cho học sinh bước tiếp vào đời!”.
Còn rất sớm khi đưa ra kết luận về công tác hướng nghiệp ngay từ THCS. Tuy nhiên, kết quả ban đầu đã và đang minh chứng một điều: “Phân luồng giáo dục từ THCS sẽ đạt hiệu quả nếu có sự vào cuộc tích cực của Hiệu trưởng các trường!”.
HỘI ĐỒNG TRƯỜNG