Tham dự Hội nghị còn có TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN; các Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục: Trương Anh Dũng, Đỗ Năng Khánh; Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội - Nguyễn Thị Hằng; lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Tổng cục GDNN; đại biểu đại diện các Bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp; lãnh đạo Sở, phòng quản lý dạy nghề các Sở LĐ – TBXH các tỉnh phía Bắc cùng Hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo các cơ sở GDNN.
Thứ trưởng Lê Quân đề nghị các trường mạnh dạn đưa ra cam kết HSSV ra trường có việc làm để thu hút công tác tuyển sinh
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân mong muốn các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá lại công tác tuyển sinh, tốt nghiệp, giải quyết việc làm trong năm 2017, những mặt được, vấn đề còn tồn tại, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, cơ hội và thách thức, nhất là nhận diện những khó khăn mà các cơ sở GDNN đang phải đổi mặt. Trên cơ sở đó, toàn ngành tạo thành khối thống nhất về nhận thức, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong công tác tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm của lĩnh vực GDNN trong năm 2018.
Thứ trưởng đề nghị các trường phải coi tuyển sinh là phần ngọn, phần gốc là việc làm. Cam kết học sinh, sinh viên ra trường có việc làm, thậm chí có việc làm ngay khi đang còn trên giảng đường thì công tác tuyển sinh mới thu hút được học sinh. Bên cạnh đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phải đóng vai trò điều phối, có kế hoạch chung cho các trường, Sở LĐ-TBXH để cuối tháng 4 và tháng 5 đẩy mạnh truyền thông trọng điểm tầm quốc gia về công tác tuyển sinh GDNN nhằm thay đổi nhận thức của xã hội. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, có kế hoạch hỗ trợ trường kết nối với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh. Đồng thời lấy doanh nghiệp là trọng tâm, lấy tự chủ là trọng tâm, công nghệ thông tin, chuẩn hóa làm đổi mới.
80% HSSV tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay sau khi tốt nghi
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, tính đến tháng 12/02017, cả nước có 1.974 cơ sở GDNN trong đó có 388 trường CĐ, 551 trường TC và 1.035 trung tâm GDNN.
Kết quả tuyển sinh năm 2017 của cả nước là 2.204.400 người, đạt 100,2% so với kế hoạch năm 2017, trong đó tuyển sinh trình độ TC và CĐ khoảng 540.400 người chiếm 24,5% so với tổng số tuyển sinh trong GDNN năm 2017 và đạt 100,1% so với kế hoạch. Những ngành, nghề có kết quả tuyến sinh cao, đó là nghề: Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Điện tử công nghiệp, Hàn, Quản trị mạng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật sửa chữa, Lắp ráp máy tính… Bên cạnh những ngành nghề tuyển sinh đạt kết quả cao có những ngành nghề khó tuyển sinh, đặc biệt là những ngành học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: Khoan nổ, mìn, Công nghệ mạ, Chế tọa khuân mẫu.
Về công tác tuyển sinh tại 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư thành trường chất lượng cao, tổng số tuyển sinh là 158.536 người (tăng 5% so với năm 2016). So với tổng số tuyển sinh trên cả nước, tuyển sinh tại 45 trường chiếm 7,5%.
Theo báo cáo của 63 sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2017 có tổng số 1.983.960 người tốt nghiệp. Để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, Bộ LĐ-TBXH, Tổng Cục GDNN đã thực hiện nhiều nội dung như: Tăng cường hợp tác với các nước để đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động; ký kết hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số tập đoàn kinh tế lớn trong việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.
Tính trung bình, năm 2017 tỷ lệ HSSV tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 80%, trong đó tỷ lệ sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 79%, TC đạt 82%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn như: tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học GDNN thấp (8-10%). Chỉ tiêu tuyển sinh đại học lớn, xu thế của giáo dục đại học là bỏ điểm sàn trong thi đầu vào nên tiếp tục thu hút được số lượng người học sau tốt nghiệp THPT vào đại học. Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về GDNN ở một số địa phương chưa đầy đủ, một bộ phận xã hội chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về quyền và trách nhiệm xã hội của mình trong việc tham gia GDNN, chưa phối hợp với cơ sở GDNN trong quá trình đào tạo, đánh giá và tuyển dụng lao động
Tuyển sinh gắn với tuyển dụng, việc làm
GDNN được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐ-TBXH trong năm 2018. Với ý nghĩa đó, GDNN xác định phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; không chạy theo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh; việc tuyển sinh phải gắn với tuyển dụng, việc làm sau tốt nghiệp của người học ở các trình độ sơ cấp, TC,CĐ; gắn GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào GDNN thấp (khoảng 8-10%)
Để triển khai hiệu quả trong công tác tuyển sinh, tốt nghiệp năm 2018, Bộ LĐ - TBXH đặt ra mục tiêu: Tuyển sinh GDNN đạt 2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ CĐ và TC là 540 nghìn HSSV; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người (hỗ trợ đào tạo nghề cho 800 nghìn lao động nông thôn, lao động nữ và các đối tượng chính sách khác theo chính sách của Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, trong đó có khoảng 20 nghìn người khuyết tật).
Trong năm 2018, tốt nghiệp GDNN đạt 2,1 triệu người, trong đó CĐ đạt 224 nghìn người; TC đạt 216 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác đạt 1,66 triệu người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 23% đến 25%
Để đạt được mục tiêu tuyển sinh GDNN đề ra, một số nhiệm vụ, giải pháp cần được triển khai thực như: Hoàn thiện chính sách pháp luật về GDNN, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về GDNN, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; Tổ chức tốt công tác tuyển sinh; Gắn kết tuyển sinh, tổ chức đào tạo với thị trường lao động, việc làm trong đó tiếp tục triển khai cơ chế 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp qua chương trình hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và VCCI, hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, tập doàn, doanh nghiệp lớn có sử dụng nhiều nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các tham luận của các cơ quan quản lý về GDNN của các địa phương và các trường Cao đẳng, trung cấp nêu lên những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị đề xuất các giải pháp trong công tuyển sinh đào tạo năm 2018.
Bên cạnh đó cũng diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục GDNN với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; Tập đoàn Mường Thanh; Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Quân chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục GDNN với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ
Nguồn: Trích "Tuyển sinh gắn với tuyển dụng, việc làm" - Bộ Lao động - Thương binh và xã hội